Ứng phó biến đổi khí hậu và thách thức của truyền thông
Ngày 22/12, tại TP Lào Cai, trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thách thức của truyền thông”.
Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu, đến từ Đài truyền hình Việt Nam, Bộ TN&MT, Đại sứ Liên minh Châu Âu, đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng đại diện các đoàn tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36.
Toàn cảnh hội thảo
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Nhiệt độ tăng cao gây hạn hán, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế, chỉ dừng ở mức quan tâm đến các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới những biện pháp ứng phó phù hợp.
Những điều này khiến các Đài Truyền hình như VTV đứng trước thách thức phải nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính quyền cơ sở về BĐKH cũng như cách thức ứng phó với BĐKH. Đây là một khái niệm khoa học nhưng cần được tuyên truyền để toàn dân có thể hiểu và có những ứng xử phù hợp.
Từ góc độ báo chí và truyền thông, đây là hội thảo đầu tiên thảo luận về chủ đề này. Trong bối cảnh Hiệp định toàn cầu Paris về chống BĐKH được 197 quốc gia, trong đó có Việt Nam kí kết đã chính thức có hiệu lực từ 4/11/2016, việc nâng cao nhận thức của xã hội về BĐKH đang trở thành yêu cầu mang tính cấp bách. Nhiệm vụ này đang trở thành một thách thức đối với Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống truyền thông tại Việt Nam.
Tại hội thảo, sau khi xem phóng sự phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ủng hộ Đề án “Tôi và Biến đổi khí hậu” của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh: Đài Truyền hình Việt Nam coi nhiệm vụ truyền thông về BĐKH là một nhiệm vụ quan trọng và sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua buổi hội thảo này, Đài Truyền hình Việt Nam mong muốn, các đơn vị, tổ chức truyền thông từ Trung ương tới địa phương cùng chung tay trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH và cách ứng phó.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu được nghe phát biểu của ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cam kết hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó BĐKH; và chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông ứng phó BĐKH của bà Urakami Akiko, Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân hy vọng, trong thời gian tới, các cơ quan truyền thông sẽ góp phần quan trọng trong định hướng hành động của toàn xã hội, để quản lý, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên gắn với BVMT và phát triển bền vững đất nước
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Bộ TN&MT đánh giá cao hệ thống phương tiện thông tin đại chúng tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ứng phó BĐKH. Truyền thông là công cụ hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường. Mỗi tác phẩm báo chí, truyền hình được đăng tải có giá trị về nhiều mặt, vừa truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường vừa truyền đến cộng đồng một cơ chế, một văn bản quy phạm về môi trường. Mỗi tác phẩm báo chí về tài nguyên môi trường là công sức đầu tư về trí tuệ, sự sáng tạo của người làm báo.
Bộ TN&MT luôn đánh giá cao chức năng, vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống thông tấn báo chí phát thanh truyền hình. Ông Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định sự lớn mạnh của ngành TN&MT trong tương lai có sự đóng góp quan trọng của ngành báo chí, truyền thông. Với chức năng quản lý nhà nước về TN&MT, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà Báo Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền về biến đổi khí hậu, cung cấp chia sẻ các thành tựu khoa học về môi trường…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân hy vọng, trong thời gian tới các cơ quan truyền thông sẽ đảm nhiệm tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng trong định hướng hành động của toàn xã hội, để quản lý, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.
Trong khuôn khổ của hội thảo, Đài Truyền hình Việt Nam đã công bố Đề án truyền thông “Tôi và Biến đổi khí hậu” với sự tham gia của các đối tác hàng đầu Việt Nam hiện nay là Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EU), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng thế giới (WB)./.